WinBuilder và các dự án liên quan đến WinPE

Windows Preinstallation Environment (WinPE) có thể được coi là một bản đơn giản của Windows XP/2003/Vista. WinPE có nhiều phiên bản, các phiên bản này tương ứng với hệ điều hành Windows XP/2003/Vista. WinPE 1.0, 1.1 có trong XP Professional, và XP Professional Service Pack 1; WinPE 1.2 có trong Windows 2003 Server; WinPE 1.5 (WinPE 2004) có trong bản XP Service Pack 2; WinPE 1.6 (WinPE 2005) có trong bản Windows Server 2003 Service Pack 1. Và bản WinPE 2.0 mới nhất có trong Vista.

Có một số công cụ cho phép trích lấy WinPE từ các đĩa cài của hệ điều hành Windows XP/2003/Vista như PEBuilder, WinBuilder. WinBuilder là một chương trình miễn phí cho phép tạo các đĩa khởi động dựa trên WinPE từ bộ cài XP/2003/Vista. WinBuilder có khá nhiều dự án liên quan đến WinPE các bản 1.5, 1.6, 2.0 như VistaPE, LiveXP, NativeEx, NativePE, PicoXP cho phép tạo đĩa khởi động chạy môi trường WinPE có kích thước từ 16MB đến 300MB hoặc cao hơn. WinBuilder sử dụng một script engine cho phép chạy các file script và chèn chương trình vào WinPE để đĩa khởi động có thêm các chương trình cần thiết.

Việc sử dụng WinBuilder tương đối phức tạp, nên bài viết sau đây sẽ đơn giản cách sử dụng để người đọc có thể tự mình làm được các đĩa khởi động WinPE 1.5 từ đĩa cài XP, WinPE 2.0 từ đĩa cài Vista.

Yêu cầu chung:
- WinBuilder có thể chạy trên các hệ điều hành Windows thông dụng hiện nay Windows 2000/XP/2003 và Vista.
- Internet Explorer bản 5.0 trở lên để sử dụng được các tab trong chương trình.
- Kết nối Internet (để download các script cần thiết).
- Với Vista, yêu cầu bỏ chế độ UAC (User Account Control)

Download: Phiên bản hiện thời là bản 0.74 (834Kb) có thể download theo link sau:
Link: http://winbuilder.net/e107_files/downloads/WinBuilder074.zip

Phần 1: Sử dụng WinBuilder
Các bước để tạo một đĩa khởi động với WinBuilder có thể mô tả ngắn gọn như sau:
- Download một project, hoặc script trong project. Nếu đã download rồi, có thể bỏ qua bước này.
- Lựa chọn máy ảo để kiểm tra file iso sau khi tạo.
- Lựa chọn thư mục chứa bộ cài của Windows XP/Vista.
- Chạy thử lần lượt các script.
- Chạy WinBuilder tạo file iso.
- Kiểm tra log khi gặp lỗi.

a. Download một project
Sau khi download file WinBuilder, giải nén vào một thư mục Giả sử D:\Winbuilder. Chạy file WinBuilder.exe. Giao diện của WinBuilder như hình dưới.



WinBuilder - tab Download

Khi mới chạy WinBuilder chưa có project nào, cần phải chọn tab Download. Trong tab Download có tab con là Servers chứa các thông tin về các server chứa project. Cần lưu ý các thông tin sau:

- Mục Available Web Servers là đường dẫn đến các server trên mạng chứa các project tương ứng. Ví dụ muốn sử dụng NativePE, chọn đường dẫn thuun.boot-land.net/WinBldr/XP-2K3/Projects. Có thể thêm Server bằng cách nhắp nút dấu cộng (+). Nên chọn từng project, không nên chọn nhiều project trong mục này.

- Với mỗi project, có 04 lựa chọn là: Minimum, Recommended, Complete và Beta. Các lựa chọn này tương ứng chọn sẵn các file trong project. Đối với người mới sử dụng, đầu tiên nên chọn Minimum (hoặc có thể chọn Recommended), sau khi thử tạo đĩa khởi động với lựa chọn đó và đĩa khởi động hoạt động thành công, khi đó mới nên chọn tiếp các thành phần khác.

Sau khi chọn project và chọn mức Minimum, nhắp nút download để tiến hành download project. Khi việc download kết thúc, WinBuilder sẽ có thêm 01 tab nữa là tab Scripts.

b. Tab Scripts
Tab Scripts có cấu trúc dạng cây, ở mục gốc chứa tên project. Có thể có nhiều project như NativePE, LiveXP, VistaPE,... Mỗi prorect này tương ứng với một thư mục trên ổ cứng, trong ví dụ này là thư mục D:\WinBuilder\ Projects\NativePE. Với mỗi project, nhắp đúp vào, sẽ xuất hiện các thư mục con bên trong. Các file script là file cuối cùng của cấu trúc cây. Tab Scripts ngoài cấu trúc cây dịch vụ, phía bên phải còn có các tab con là Script, Paths, Log, Code Box.

Theo nguyên tắc nên chọn đến từng file script để có thể kiểm tra việc nó được thêm vào WinPE như thế nào.



WinBuilder - tab Scripts

Trong hình WinBuilder - tab Scripts trên, ví dụ mở script Opera 8.54, sẽ xuất hiện các thông tin tương ứng ở tab con là Script. Trong tab con Script này, cần chú ý đến 02 lựa chọn là Play và Edit. Lựa chọn Play cho phép chạy thử một script trước khi tạo đĩa. Lựa chọn Edit cho phép chỉnh sửa một script.

Chú ý:

- Tùy theo script do người thiết kế tạo ra mà có thêm các file cần thiết phải download trên mạng. Ví dụ như Mozilla Firefox. Khi đó nên lựa chọn Play để thử script trước.
- Để chạy thử một script, cần chọn đường dẫn đến thư mục chứa bộ cài của hệ điều hành XP/2003/Vista.
- Không nên sử dụng script của project này cho project khác khi chưa được xác nhận sự tương thích.
- Không nên chỉnh sửa các thông tin liên quan đến project khi chưa hiểu rõ chúng.

c. VirtualTest
VirtualTest gồm một hoặc nhiều script được WinBuilder sử dụng để chạy thử file iso sau khi tạo. Tùy và project mà có thể có các project khác nhau. Thực chất script này cho phép gọi một máy ảo để chạy file iso trên máy ảo. Có 3 dạng máy ảo được hỗ trợ là: VirtualBox, QEMU, VMWare. Trong 3 dạng máy ảo này nên chọn VirtualBox. VirtualBox là một phần mềm máy ảo miễn phí, khá nhẹ và hiệu quả. Nên download và cài đặt VirtualBox trước khi sử dụng WinBuilder. Phiên bản hiện thời trên Windows là phiên bản 1.5.2 (16 MB), có thể download theo link sau:
Link: http://www.virtualbox.org/download/1.5.2/VirtualBox_1.5.2_Win_x86.msi

Bạn cũng có thể chạy máy ảo rồi chọn máy ảo đó khởi động từ file iso thay vì chạy qua script nói trên.



VirtualTest

Trong hình là script để kiểm tra file iso sau khi tạo với máy ảo VirtualBox.

d. Paths
Tab con Paths cho phép chọn đường dẫn đến bộ cài đặt XP/2003/Vista. Tùy theo project mà ta chọn bộ cài đặt tương ứng. Với project VistaPE, cần chọn đường dẫn đến bộ cài đặt Vista, các project khác nên chọn đường dẫn đến bộ cài XP.



Tab Scripts -> Paths

Trong tab con Paths, lựa chọn đường dẫn đến bộ cài đặt XP ở lựa chọn Source directory. Target là đường dẫn đến thư mục chứa project khi đã chạy WinBuilder. ISO là thư mục chứa các file iso sau khi tạo.

Có thể dùng chương trình để ghi các file iso này ra đĩa CD và khởi động từ đó, hoặc xem mục 6 để có thể tạo ổ USB khởi động được.

e. Chạy WinBuilder
Sau khi download project cần thiết, chọn đường dẫn tới thư mục chứa bộ cài, kiểm tra các file script, cấu hình máy ảo để kiểm tra file iso, bước cuối cùng là chạy chương trình WinBuilder. Để chạy chương trình này, nhắp vào nút Play (biểu tượng tam giác) trên cửa sổ chính của WinBuilder. Khi đó WinBuilde bắt đầu xây dựng và đóng gói file iso từ các script và nguồn của XP/Vista.



WinBuilder Progress

Thời gian xây dựng nói chung phụ thuộc vào số lượng scrip, loại project, nhưng nói chung mất khoảng 20-30 phút. Khi quá trình xây dựng file iso kết thúc, kết quả sẽ được file iso. File iso này nằm trong thư mục ISO và có tên tương ứng với tên của project (ngầm định). Ví dụ dùng project NativePE, tên file iso sẽ là NativePE.iso. Nếu có chọn máy ảo để kiểm tra như ở bước c, máy ảo đó sẽ tự động chạy.



Chạy thử file ISO với VirtualBox

Trong hình trên là giao diện của file iso chạy trên nền máy ảo VirtualBox.

f. Log
Nếu quá trình xây dựng file iso diễn ra thuận lợi và máy ảo chạy được file iso đó như ví dụ ở bước trên thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên khi file iso đã được tạo nhưng máy ảo không khởi động thành công file iso đó thì việc đầu tiên là phải kiểm tra Log.



Log Window

Sau khi kết thúc việc tạo file iso, chọn tab Log. WinBuilder sẽ ghi tất cả các thông tin trong quá trình xây dựng file ISO và cho phép người dùng theo dõi các thông tin này qua các nhóm. Cần chú ý đến thông tin trong nhóm Error.

Với các script không chuẩn, bộ cài Windows không chuẩn đều có thể gây ra những lỗi này và file iso không sử dụng được. Theo dõi các thông tin trong log sẽ giúp tìm được nguyên nhân lỗi. Có thể giải quyết vấn đề theo các bước sau:

- Chọn bộ Windows chuẩn.
- Bớt đi các script không quan trọng. Có thể bỏ hẳn một mục chính, ví dụ như mục Apps, Drivers.
- Xóa các thông tin đã tạo ra trong các thư mục Target, Temp (chú ý một số project có chức năng Clean Project Temp).
- Chạy lại WinBuilder để tạo lại file iso và chạy thử trên máy ảo.

Nếu các bước trên vẫn không tạo được file iso chạy ổn định, cần xác nhận các thông tin sau để đưa lên diễn đàn: http://www.boot-land.net/forums/index.php

là diễn đàn có rất nhiều thông tin liên quan đến WinBuilder:

- log.html - save lại thông tin log.
- Phiên bản của chương trình WinBuilder đang sử dụng.
- Thông tin về hệ thống file của partition nơi lưu và chạy (FAT32 hoặc NTFS).
- Tên chương trình chống virus, spyware mà bạn đang sử dụng.

Khi sử dụng WinBuilder, việc gặp lỗi và file iso không khởi động được hay xảy ra. Ngay cả đối với người có kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề đó cũng không dễ. Do đó người viết sẽ tạo sẵn một số project và cấu hình trước để có thể sử dụng được.

Có thể download các project này về và thực hiện công việc xây dựng file iso luôn mà không cần qua các bước cấu hình phức tạp. Tham khảo hướng dẫn chi tiết trong các project ở các mục bên dưới để biết cách sử dụng. Các project đó là: PicoXP, NativePE, LiveXP, VistaPE. Các project này được thử trên hệ thống:

- Hệ điều hành Windows XP; RAM 1GB
- Đĩa CD cài đặt Windows XP Service Pack 2 gốc. Trong project VistaPE, sử dụng đĩa cài đặt Vista.
- Máy ảo: VirtualBox sử dụng RAM ảo 384 MB.

Phần 2: Sử dụng PicoXP, NativePE, LiveXP

PicoXP

Mục đích của project PicoXP là tạo đĩa khởi động dựa trên hệ điều hành Windows tối thiểu (khoảng 15-16MB) với chế độ dòng lệnh. PicoXP được thiết kế để thay thế các đĩa khởi động dựa trên DOS với các ưu điểm là khả năng hỗ trợ ổ cứng dùng chuẩn SATA và sử dụng hệ thống file NTFS. PicoXP không có chế độ đồ họa (GUI). Có thể tham khảo các thông tin về project này theo link:
Link: http://picoxp.boot-land.net

Download: PicoXP_WinBuilder.rar (3.42 MB):
Link: http://www.mediafire.com/?5ot0bzjyymy

Các bước thực hiện:
- Giải nén file PicoXP_WinBuilder.rar, được thư mục PicoXP, trong thư mục này có thư mục Projects và file WinBuilder.exe. Copy thư mục PicoXP vào một thư mục, giả sử D:\WinBuilder.

- Chạy file WinBuilder.exe, xuất hiện giao diện quen thuộc của WinBuilder.



Project PicoXP

- Trong tab Scripts, chú ý các script được chọn là các script đã được thử nghiệm.

- Lựa chọn tab Path để chọn đường dẫn đến thư mục chứa bộ cài Windows XP SP2, ví dụ ổ Z. Sau khi chọn, nhắp biểu tượng Play để bắt đầu việc tạo file PicoXP.iso.

- Sau khi kết thúc việc tạo file Pico.iso, WinBuilder sẽ gọi máy ảo qEmu (có sẵn trong project này) để chạy thử. Nếu file iso được tạo thành công, qEmu sẽ chạy và giao diện chỉ có chế độ lệnh của PicoXP như hình PicoXP trên máy ảo qEmu.



PicoXP trên máy ảo qEmu

Nhận xét:
- File PicoXP.iso nằm trong mục ISO, có kích thước khá nhỏ khoảng 16 MB.

- PicoXP chỉ có giao diện là dòng lệnh nên không thuận tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên ưu điểm của nó là gọn nhẹ (khi nén bằng Winrar còn khoảng 9MB) và hỗ trợ hệ thống file NTFS.

- Trong hình Project PicoXP, mục Finish -> Burn CD, cho phép ghi file iso ra đĩa CD mà không cần chương trình ghi đĩa CD nào khác.

NativePE
NativePE là một project được tùy biến dựa trên project gốc là NativeEx. So với PicoXP thì NativeEx có chế độ đồ họa với menu tương tự menu Start của Windows XP. NativePE được tùy biến trên NativeEx với nhiều chương trình ứng dụng vào menu Start đó như chương trình chống virus avast, chương trình Firefox,.... và khả năng thêm các script linh hoạt hơn so với NativeEx. Các script trên NativePE và NativeEx có thể dùng chung. Có thể download các script trên giao diện của WinBuilder hoặc theo link:

Link: http://thuun.boot-land.net/WinBldr/XP-2K3/Projects/

Download: NativePE_WinBuilder.rar (24.22 MB):
Link: http://www.mediafire.com/?8tbnyitwozk

Các bước thực hiện:
- Giải nén file NativePE_WinBuilder.rar, được thư mục NativePE, trong thư mục này có thư mục Projects và file WinBuilder.exe. Copy thư mục NativePE vào một thư mục, giả sử D:\WinBuilder.

- Chạy file WinBuilder.exe, xuất hiện giao diện của WinBuilder với project NativePE.



Project NativePE

- Lựa chọn tab Path để chọn đường dẫn đến thư mục chứa bộ cài Windows XP SP2, ví dụ ổ Z. Sau khi chọn, nhắp biểu tượng Play để bắt đầu việc tạo file NativePE.iso.

- Sau khi kết thúc việc tạo file NativePE.iso, WinBuilder sẽ gọi máy ảo VirtualBox (máy ảo này được cài đặt riêng) để chạy thử. Nếu file iso được tạo thành công, VirtualBox sẽ chạy và giao diện của NativePE như hình NativePE trên máy ảo VirtualBox.



NativePE trên máy ảo VirtualBox

Nhận xét:
- File NativePE.iso nằm trong mục ISO, có kích thước khoảng 70-150 Mb tùy theo các script được lựa chọn. Với lựa chọn ngầm định như trong file NativePE_WinBuilder.rar, file iso khoảng 115 MB. Kích thước này là tương đối nhỏ so với các bản WinPE khác.

- NativePE đã có giao diện đồ họa với menu dạng menu Star của Windows nên thuận tiện hơn nhiều so với PicoXP. Các ứng dụng trên NativePE chưa nhiều, nhưng cũng đủ để xử lý khi hệ thống gặp sự cố.

- Mục Drivers có driver của một số thiết bị không có trong Windows XP SP2. NativePE chưa có driver của SATA, LAN. Hiện đã có script hỗ trợ việc thêm driver cho SATA và đang được chạy thử.

- Mục Tool chứa một số công cụ hỗ trợ cho NativePE. Mục này nên sử dụng sau khi đã tạo thành công file NativePE.iso. Chú ý 2 công cụ là FileDisk WB - cho phép tạo ổ ảo từ file ISO, img; và công cụ USB Boot cho phép tạo ổ USB có thể khởi động được NativePE.

- File NativePE.iso nằm trong mục ISO, có kích thước khoảng 70-150 Mb tùy theo các script được lựa chọn. Với lựa chọn ngầm định như trong file NativePE_WinBuilder.rar, file iso khoảng 115 MB. Kích thước này là tương đối nhỏ so với các bản WinPE khác.

- NativePE đã có giao diện đồ họa với menu dạng menu Star của Windows nên thuận tiện hơn nhiều so với PicoXP. Các ứng dụng trên NativePE chưa nhiều, nhưng cũng đủ để xử lý khi hệ thống gặp sự cố.

- Mục Drivers có driver của một số thiết bị không có trong Windows XP SP2. NativePE chưa có driver của SATA, LAN. Hiện đã có script hỗ trợ việc thêm driver cho SATA và đang được chạy thử.

- Mục Tool chứa một số công cụ hỗ trợ cho NativePE. Mục này nên sử dụng sau khi đã tạo thành công file NativePE.iso. Chú ý 2 công cụ là FileDisk WB - cho phép tạo ổ ảo từ file ISO, img; và công cụ USB Boot cho phép tạo ổ USB có thể khởi động được NativePE.



Công cụ là FileDisk WB

- Số script trên NativePE không lớn. Nếu download với lựa chọn Recommended khoảng 47 MB. Thông tin này sẽ để so sánh với LiveXP.

LiveXP
LiveXP là một project với mục đích tạo một đĩa khởi động được với những chức năng cơ bản tương tự như một hệ điều hành. LiveXP cũng được tùy biến dựa trên project gốc là NativeEx. Có thể download các script trên giao diện của WinBuilder hoặc theo link:

Link: http://livexp.boot-land.net/

Download: LiveXP_WinBuilder.rar (22.84 MB):
Link: http://www.mediafire.com/?bo42etam2rm

Các bước thực hiện:
- Giải nén file LiveXP_WinBuilder.rar, được thư mục LiveXP, trong thư mục này có thư mục Projects và file WinBuilder.exe. Copy thư mục LiveXP vào một thư mục, giả sử D:\WinBuilder.
- Chạy file WinBuilder.exe, xuất hiện giao diện của WinBuilder với project NativePE.



Project LiveXP

- Lựa chọn tab Path để chọn đường dẫn đến thư mục chứa bộ cài Windows XP SP2, ví dụ ổ Z. Sau khi chọn, nhắp biểu tượng Play để bắt đầu việc tạo file LiveXP.iso.

- Sau khi kết thúc việc tạo file LiveXP.iso, WinBuilder sẽ gọi máy ảo VirtualBox (máy ảo này được cài đặt riêng) để chạy thử. Nếu file iso được tạo thành công, VirtualBox sẽ chạy và giao diện của LiveXP như hình LiveXP trên máy ảo VirtualBox.



LiveXP trên máy ảo VirtualBox

Nhận xét:
- File LiveXP.iso nằm trong mục ISO, có kích thước khoảng 50-200 Mb tùy theo các script được lựa chọn. Với lựa chọn ngầm định như trong file LiveXP_WinBuilder.rar, file iso khoảng 115 MB.

- LiveXP so với NativePE thì có nhiều script hơn. ở chế độ Compelete, số script lên tới 126 MB và LiveXP.iso được tạo khoảng 200-250MB. Tuy nhiên cần lựa chọn các script để download, sau đó chạy thử trước khi tạo để tránh những lỗi gặp phải.

- Mục Drivers của LiveXP có khá nhiều driver, trong đó có driver của SATA, LAN.

Phần 3 : Sử dụng VistaPE, khởi động ổ usb với WinPE, một số lưu ý
Sử dụng VistaPE
VistaPE được xây dựng theo hướng là một công cụ đơn giản và linh hoạt cho người quản trị và người sử dụng muốn tạo một đĩa khởi động dựa trên nền WinPE 2.0.
VistaPE là một project trên WinBuilder với nhiều script có sẵn và bạn có thể dễ dàng tùy biến nó.

Đĩa khởi động được tạo từ VistaPE sẽ có một số tính năng chính sau:
- Hỗ trợ rất nhiều driver của các thiết bị như SATA/RAID/SCSI/NIC so với các đĩa tạo từ XP (trong các project nói trên).
- Có khả năng đọc ghi các partition sử dụng hệ thống file NTFS/FAT32/FAT.
- Hỗ trợ đầy đủ việc kết nối mạng.
- Khởi động từ các file WIM.
- Cho phép khởi động từ CD/HDD/UFD/Network.
- Tương thích với Windows Vista.

Yêu cầu:
- Đĩa cài đặt Windows Vista hoặc bộ chương trình WAIK. Tuy nhiên nên dùng đĩa cài đặt Vista, vì nhiều script sẽ yêu cầu file trên đĩa này.
- VistaPE yêu cầu RAM từ 256 MB trở lên, nên sử dụng 512 MB.
- ổ cứng chứa project VistaPE yêu cầu trống khoảng 2 GB và sử dụng hệ thống file NTFS.

Download: VistaPE010_WinBuilder.rar (35.72 MB):
Link: http://www.mediafire.com/?43btnsjedgt

Các bước thực hiện:
- Giải nén file VistaPE010_WinBuilder.rar, được thư mục VistaPE010, trong thư mục này có thư mục Projects và file WinBuilder.exe. Copy thư mục VistaPE010 vào một thư mục, giả sử D:\WinBuilder.
- Chạy file WinBuilder.exe, xuất hiện giao diện của WinBuilder với project VistaPE.



Project VistaPE

- Lựa chọn tab Path để chọn đường dẫn đến thư mục chứa bộ cài Windows Vista, ví dụ ổ D:\isocd\Vista. Sau khi chọn, nhắp biểu tượng Play để bắt đầu việc tạo file VistaPE.iso.

- Sau khi kết thúc việc tạo file VistaPE.iso, WinBuilder sẽ gọi máy ảo VirtualBox (máy ảo này được cài đặt riêng) để chạy thử. Nếu file iso được tạo thành công, VirtualBox sẽ chạy và giao diện của VistaPE như hình VistaPE trên máy ảo VirtualBox.



VistaPE trên máy ảo VirtualBox

Việc thực hiện tạo đĩa khởi động VistaPE (file VistaPE.iso) từ project download sẵn là rất dễ dàng. Tuy nhiên người sử dụng cũng nên tham khảo các thông tin sau để có thể tùy biến được việc tạo đĩa khởi động.

Main Configuration:
Trong project VistaPE, script đầu tiên là Main Configuration. Script này chứa các thông tin về cấu hình chung của đĩa khởi động. Cần lưu ý các thông tin sau:

- Main Shell: Shell chính của đĩa khởi động, có thể chọn PE Shell Swapper; LiteStep; Explorer; BS Explorer; Total Commander; CMD (chế độ chỉ có lệnh). Tham khảo mục VistaPE Shell để biết thêm về các shell này.

- Boot Manager: Cho phép lựa chọn boot loader của đĩa khởi động (đĩa CD/DVD) là Standard (dùng Vista Bootloader); ISOLinux; BCDW; GRUB4DOS. ở mục này, tùy theo mục đích mà có thể chọn kiểu Boot Manager. Nếu chỉ có VistaPE mà không cần thêm các lựa chọn khác, nên chọn kiểu Standard.



Main Configuration

VistaPE Shell:
- Khác với các project trên sử dụng một shell (lớp vỏ) duy nhất dạng XP, VistaPE cho phép sử dụng nhiều shell khác nhau như LiteStep, BS Explorer, Explorer Vista, Explorer Police, Total Commander và A43 File Manager. Các shell LiteStep, BS Explorer, Explorer Vista, Explorer Police, Total Commander nằm trong thư mục Shell của project, còn A43 File Manager nằm trong thư mục Apps\File Tools.

- Khi khởi động, đĩa khởi động sẽ gọi một chương trình là PE Shell Swapper để bạn có thể lựa chọn chạy tiếp đĩa khởi động với shell nào.



PE Shell Swapper

Trên giao diện của PE Shell Swapper, bạn có thể chọn shell, độ phân giải của màn hình, thư mục cài đặt Windows,...Có thể cấu hình PE Shell Swapper ở script Main Configuration.

- Trong các shell trên, LiteStep, BS Explorer, Explorer Vista, Explorer Police là các lớp vỏ với các chương trình dạng menu, còn 2 shell Total Commander, A43 File Manager thực chất chỉ là chương trình quản lý folder, file được gọi ngay ban đâu để sử dụng.

- Các script ứng dụng (trong mục Apps) có thể được đưa vào menu của shell này mà không thấy hiển thị trên menu của shell khác.
- Có thể chọn shell chính là LiteStep.

- Chú ý rằng A43 File Manager không được cấu hình trong Main Configuration hay là Shell, mà trong file script nó có lựa chọn Add to PE Shell và Set as default shell in PE Shell. Trong script này nên bỏ chọn Set as default shell in PE Shell.



A43 File Manager Script

Run from RAM (boot.wim):
Như đã biết, Vista có sử dụng file boot.wim (trong thư mục source). Khi khởi động, toàn bộ file này sẽ được nạp lên RAM.
Khi tạo đĩa khởi động với project VistaPE, một số script có cấu hình cho phép Run from RAM. Khi chọn lựa chọn này, chương trình tương ứng với script đó sẽ được đưa vào trong file boot.wim. Nếu không lựa chọn, chương trình sẽ được đưa vào thư mục Programs trên đĩa khởi động.

VistaPE Multiboot:
Project VistaPE hỗ trợ chế độ multiboot với lựa chọn khuyến nghị là GRUB4DOS (xem mục Main Configuration). Trong file download WinPE010_WinBuilder.rar hiện không lựa chọn chế độ này, vì người viết muốn tách riêng các thành phần khi boot.

Nếu muốn đĩa khởi động có thêm nhiều thành phần khi boot, cần chọn tab Download để download thêm các thành phần tương ứng.



Multiboot với VistaPE

VistaPE có các script ở các mục OtherOS và Slax Linux là các lựa chọn boot của đĩa khởi động. Trong đó có các scrip con như bản Slax Linux - một bản LiveCD khá gọn nhẹ; Parted Magic Linux - chương trình phân chia ổ cứng dạng như Acronis Disk Director; winpe - lựa chọn khởi động với đĩa winpe dạng như ở các mục 2, 3, 4 trên ,...
Với các lựa chọn này, người dùng có thể tạo cho mình một đĩa khởi động đa dạng.

Nhận xét
- File VistaPE.iso nằm trong mục ISO, có kích thước khoảng 120-350 Mb tùy theo các script được lựa chọn. Với lựa chọn ngầm định như trong file Vista_WinBuilder.rar, file iso khoảng 160 MB. Nếu download thêm các script cho OtherOS và Slax thì kích thước file iso có thể lên đến 620MB.

- VistaPE được xây dựng trên nền WinPE 2.0 nên có những ưu điểm so với các bản WinPE 1.5, WinPE 1.6 như dễ dàng tạo đĩa khởi động UFD, khởi động qua mạng, số lượng lớn driver cho SATA/SCSI/LAN.

- Việc tạo Multiboot cho VistaPE có thể thực hiện thủ công, không qua các script có sẵn. Cách thực hiện có thể sử dụng GRUB4DOS và thực hiện luôn trên thư mục Target.

- VistaPE hiện có phiên bản thử nghiệm 0.11 theo link:
Link: http://www.vistape.net/beta

Bản thử nghiệm này có thêm nhiều tính năng nhưng kích thước file iso sau khi tạo khá lớn, khoảng 300MB trở lên.

Khởi động USB với WinPE
Khởi động từ ổ USB với VistaPE (WinPE 2.0)
Việc tạo ổ USB khởi động từ WinPE 2.0 đã được hướng dẫn chi tiết trong bài viết Khởi động từ USB với Vista MBR:
Link: http://xhtt.com.vn/index.asp?SubjectID=13498&ID=0

Trong trường hợp project VistaPE, chỉ cần copy mục Target\VistaPE ra ổ USB, sau đó thực hiện lệnh: bootsect.exe /nt60 H: /force (với H là ký tự ổ đĩa USB).

Khởi động từ ổ USB với NativePE, LiveXP (WinPE 1.5, WinPE 1.6)
Yêu cầu:
- File iso được xây dựng từ Windows XP SP2 (WinPE 1.5). Trong ví dụ này có thể lấy thư mục Target trong các project NativePE hoặc LiveXP ở trên.
- Download chương trình PeToUSB.rar: (92.11 KB)
Link: http://www.mediafire.com/?9djjbn5tzgd

Giải nén file này được một thư mục, giả sử D:\PeToUSB. Trong thư mục đó sẽ có file PeToUSB.exe.

Các bước thực hiện:
Chạy chương trình PeToUSB.exe, giao diện của chương trình như sau:



Giao diện chương trình PeToUSB

Trên giao diện của chương trình PeToUSB thực hiện các lựa chọn sau:

- Chọn loại ổ là USB Removable. Có thể chọn Disk Format nếu thấy cần thiết.
- Chọn đường dẫn đến thư mục extract nội dung file winpe.iso hoặc chọn đường dẫn đến mục Target trong project LiveXP hoặc NativePE.
- Chọn Enable File Copy
- Nhắp nút Start để PeToUSB bắt đầu thực hiện công việc.

PeToUSB sẽ tạo phần khởi động cho ổ USB và copy các file từ thư mục nguồn và chuyển đổi thành các thư mục chính là minint; PROGRAM FILES; và các file ntldr; ntdetect.com; winbom.ini trên ổ USB.



Các file trên ổ USB của WinPE 1.5

Sau các bước trên, ổ USB có thể khởi động được với NativePE hoặc LiveXP.

Một số lưu ý:
- Việc sử dụng WinBuilder tương đối phức tạp. Đối với những người mới sử dụng, nên download và thực hiện theo các project có sẵn. Sau khi tạo và chạy thử thành công trên máy ảo hãy download các script khác.

- Đối với project LiveXP, NativePE, VistaPE có một số script (có chứa các file chương trình) sẽ bị các chương trình antivirus, antispyware cảnh báo, điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo đĩa khởi động, hoặc làm đĩa khởi động lỗi. Nên loại bỏ các script này để kiểm tra mức độ nguy hiểm của các script đó. Các project được upload trên đều đã được kiểm tra bằng công cụ AntiVir PersonalEdition Classic.

No comments: